Luật sư Nguyễn Văn Mậu
Học sinh khoá 1964-1967
Thời gian thấm thoắt vậy mà đã 50 năm trôi qua, 50 năm của một nửa đời người và cũng là 50 năm hình thành và phát triển mạnh mẽ của Trường THCS Cẩm Sơn. Mong tới ngày kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta có dịp gặp gỡ nhau trong không khí ấm áp tình cảm thày trò, tình cảm bạn bè và trên tất cả là sự ấm áp, đẹp đẽ của tình người để cùng ôn lại những kỷ niệm về một mái trường, nơi mà từ đây đó có biết bao thế hệ học trò chọn làm nơi xuất phát để trưởng thành, lập nghiệp, cống hiến cho đất nước và xây dựng quê hương.
Hướng về ngày Hội trường 50 năm này, những cảm xúc, những kỷ niệm đẹp đẽ về mái trường xưa, về những người thày, người cô và cả những người bạn của mấy mươi năm trước cứ sống lại trong mỗi chúng ta, những học sinh của trường để rồi không bao giờ có thể quên được, sau biết bao nhiêu sóng gió, thăng trầm của cuộc đời. 50 năm đó qua, người còn, người mất. Ai còn thì vẫn nhớ, vẫn gặp. Ai mất cũng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Và những người luôn được chúng tôi nhớ đến chính là những người thày, người cô đã gắn bó với chúng tôi trong suốt quãng đời học trò của mình đó là thày Hiệu trưởng đầu tiên của trường: thày Nguyễn Văn Thiện, và các thày Hoàng Tiến Khuê, Đào Huy Huấn, Nguyễn Huy Lực, Phạm Văn Tuyến, Nguyễn Việt Dương, Trần Văn Trắc, Võ Thời Sỹ, Nguyễn Huy Tâm, Nguyễn Văn Thắng…, là các cô Nguyễn Thị Hòa, Dương Thị Nga, Phạm Thị Minh Cư và nhiều các thày, cô khác mà chúng tôi không được học ở các khóa sau này…
Là lớp học trò khóa I (1964- 1967) của Trường THCS Cẩm Sơn, lớn lên trong thời bình; được tôi luyện và trưởng thành trong khói lửa khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế hệ đã đi suốt chiều dài gần 5 thập kỷ xây dựng và phát triển của trường từ chiến tranh sang hòa bình, qua thời bao cấp đến công cuộc đổi mới và hội nhập Quốc tế hôm nay. Trong chặng đường dài trầm hùng đó, chúng tôi có 3 năm gắn bó với trường THCS Cẩm Sơn với bao kỷ niệm khắc ấn một thời luôn nhớ, khó quên. Chúng tôi vẫn nhớ khi thành lập, trường phải sơ tán, học nhờ ở Nhà thờ của thôn Đức Trai mà người ta quên gọi là Mốt trong, sau này làm thêm một lán học nữa ở thôn Thổ Đức (Mốt ngoài ). Làm sao phai mờ được hình ảnh những học sinh gầy còm, thấp bé, nhẹ cân, áo vá, mũ rơm, quần nâu, chân đất khiêng tre, đội tranh, cầm dao, vác xẻng đi bộ vài cây số góp công, góp của, lao động xây dựng trường, lớp để kịp vào khai giảng cho năm học mới. Quên sao được những ngày mưa rào, nắng gắt đào hố tròn cá nhân, làm hầm kèo chữ A để tránh bom đạn của giặc Mỹ. Và vẫn còn nhớ những buổi học mấy lần nghe kẻng báo động, vội vàng chạy ra hầm trú ẩn mỗi khi máy bay Mỹ ném bom xuống bến phà An Trang (phà Giám), xuống kho xăng dầu làng Hương Phú (làng Xuân) bên cạnh sông Thái Bình và các vùng xung quanh rất gần với trường, với lớp học của chúng ta. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ ầm ầm rung chuyển cả khu trường nhưng thày và trò vẫn kiên trì bám trường, bám lớp không bỏ buổi học nào. Quên sao được những bữa ăn cơm ít, ngô nhiều, cá, cà, mắm muối đơn sơ, đạm bạc của thày và trò khi đi lao động giúp dân đắp đê, chống lũ, thu hoạch lúa, màu. Hình ảnh thày và trò, trai và gái xắn quần lội bùn, ngâm nước, nhường nhau từng chỗ ngồi không dột để đón từng con chữ của thày, cô dưới trời mưa to, gió lớn, giá rét thấu xương trong lớp học bốn bề tường đất, nhà tre, mái rạ ở làng Mốt trong (Đức Trai), Mốt ngoài (Thổ Đức). Còn cuộc sống của các thày, cô thì sao? Cơ cực lắm! Vất vả lắm! Ngoài một vài thày có gia đình riêng ở các xã lân cận gần trường, hết giờ giảng thì về nhà, các thày còn lại thì phải ở nhờ trong dãy nhà Chung của nhà thờ. Cuộc sống khó khăn là thế, trường lớp thiếu thốn là thế nhưng tình cảm và trách nhiệm của các thày, cô dành cho học sinh thật là lớn lao, vô tư, trong sáng và rất ấm áp tình thày trò. Từ năm 1968 xã Cẩm Sơn liên tiếp xảy ra các trận lũ lụt lớn do sông Thái Bình gây nên. Hàng năm, cứ đến mùa lũ, trường, lớp và các thôn xóm ngập chìm trong biển nước. Theo chỉ đạo của trên, phần lớn các hộ gia đình của xã Cẩm Sơn di chuyển lên quê mới (Cẩm Sơn bây giờ). Số hộ còn lại chuyển về xã Đức Chính, Cẩm Văn. Một số ít gia đình chuyển lên tận huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình sinh sống, lập nghiệp. Xã Cẩm Sơn, THCS Cẩm Sơn khi đó thực sự không còn nữa. Làng, xã bị xẻ chia, quê hương mỗi người mỗi ngả. Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, sau đó là những cuộc chia tay thầm lặng đong đầy nước mắt giữa người ôm súng ra mặt trận và người cầm bút ở lại hậu phương. Cuộc sống ban đầu của người dân Tân Sơn và thày, trò trường THCS Cẩm Sơn tại vùng đất mới cũng vô cùng gian nan, vất vả . Trường chẳng ra trường, lớp chẳng ra lớp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của thày và trò, sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân và sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương đã xây dựng nên ngôi trường hôm nay khang trang, to đẹp, rợp mát bóng cây. Tại ngôi trường này đã có nhiều thày, cô đạt được những thành tích xuất sắc, danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua... Nhiều học sinh của trường đạt được thành tích cao trong học tập, giành được các giải trong các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh. Có học sinh đã trở thành giáo viên, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của trường hiện nay. Trường đã được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Tuy chỉ có 3 năm gắn bó với trường kể từ ngày thành lập nhưng trường THCS Cẩm Sơn thực sự đã trở thành kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc đời của mỗi chúng tôi…
Hướng về ngày Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường và vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý đạt trường chuẩn Quốc gia là cơ hội sau nhiều năm được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, các bạn học sinh cũ, các thày, các cô. Thật vui mừng khi thấy nhiều thày, cô nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn mạnh khỏe, các thế hệ học trò cũng đã trưởng thành. Nhiều học sinh đó thành đạt trên các lĩnh vực: Tham gia bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy quản lý của Nhà nước, tham gia trong trong lực lượng vũ trang, nghiên cứu KHKT, là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, luật sư, thày thuốc, kỹ sư, các nhà doanh nghiệp…trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Dù ở đâu, đảm nhận công việc gì, các em cũng đem hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm công dân để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các em luôn hướng về mái trường thân yêu, nhớ về thày, cô và bạn bè. Đây là món quà lớn nhất mà các em đó giành cho các thày, các cô, giành cho mái trường THCS Cẩm Sơn thân yêu.
Trong niềm vui chờ ngày hội ngộ, chúng em bồi hồi và vô cùng tiếc thương một số thày, cô không còn nữa. Đó là thày Hoàng Tiến Khuê, thày Đào Huy Huấn, thày Nguyễn Huy Lực và một số thày, cô khác…mà chúng em không được biết tên. Tên tuổi và hình ảnh của các thày, cụ vẫn sống mãi trong tâm trí của chúng em. Ngoài ra còn có biết bao người bạn, các học sinh của nhiều thế hệ của trường THCS Cẩm Sơn đã anh dũng chiến đấu hy sinh, đã nằm lại ở các chiến trường. Các anh, chị ấy sẽ chẳng bao giờ về nữa, nhưng họ đã mang lại vinh quang cho trường, cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc hôm nay của mỗi chúng ta. Hình ảnh và cuộc đời của các anh, chị mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta, cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Thưa các thày, cô, các bạn học sinh… chúng em xin được gửi tới thày Nguyễn Văn Thiện cùng tất cả các thày, cô giáo của trường lời tri ân chân thành và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Cảm ơn các thày, cô đã thầm lặng, dìu dắt bao thế hệ học trò chúng em trưởng thành, lập nghiệp đã và đang xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Cẩm Sơn nói riêng và Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh và giàu đẹp. Những lời dạy và công lao của các thày, cô sẽ được chúng em mãi khắc ghi và làm theo.
Nguyễn Văn Mậu